Sunday, August 8, 2010

Tư Trị Thông Giám, tác giả và tác phẩm

Tư-mã Quang 司馬光 tự Quân Thực 君實, hiệu Vu Phu 迂夫, sau lớn tuổi xưng là Vu Tẩu 迂叟, người đời gọi ông là Tốc Thủy Tiên Sinh 涑水先生, sinh năm 1019 ở Hạ Huyện 夏縣, Thiểm Châu, nay thuộc huyện Vận Thành運城, tỉnh Sơn Tây.  
Cha ông tên Trì 池, từng làm Thiên Chương Các Đãi Chế (quan lo việc tiếp nhận tấu chương) . Khi ông lên bảy, thấy ông nghe giảng "Tả Thị Xuân Thu" mà đê mê như người trưởng thành, cha ông thương lắm, bèn từ chức ở nhà dạy học cho con. Từ đó tay ông không rời quyển sách, quên cả đói, khát.
Khi ông còn bé, cùng đám trẻ nhỏ chơi trong sân, một đứa bị rớt vào vò nước, sắp chết đuối, những đứa bé khác đều bỏ chạy, riêng ông cầm viên đá đập vỡ vò, cứu sống bạn mình. Sau đó dời đến kinh đô, ông còn vẽ lại bản đồ vùng Lạc Dương.
Năm Bảo Nguyên đời Tống Nhân Tông, ông mới 20 tuổi thi Tiến Sĩ đỗ khoa đầu (Giáp Khoa). Ông được bổ làm Phụng Lễ Lang, vừa làm quan thì bố mẹ mất, ông từ chức về nhà chịu tang tất cả 5 năm. Sau đó lại ra làm quan, được bổ làm Quốc Tử Trực Giảng (Giảng viên Đại học ở Kinh đô). Quan Khu Mật Phó Sứ (Chức vụ tương đương với Tể Tướng) là Bàng Tịch 龐籍 tiến cử ông làm Quán Các Giáo Khám, Đồng Tri Lễ Viện (nắm việc bộ Lễ). Có viên quan hoạn mới chết, được cấp đồ nghi vệ Thiên Tử để chôn cất, lại ban tên thụy. Ông đều một mực can gián.
Ông kiến nghị cho xây hai đồn đóng quân ở Hà Đông để bảo vệ dân chúng vùng ấy được thu hoạch yên lành không bị người Tây Hạ đến cướp phá, Bàng Tịch nghe theo. Sau vì viên tướng phòng giữ vùng ấy hành động ngông cuồng, sơ xuất dẫn quân đánh nhau bị người Tây Hạ giết, Bàng Tịch bị quy trách nhiệm phải thôi chức. Ông ba lần dâng thư tự nhận lỗi, nhưng triều đình không trả lời. Đến khi Bàng Tịch mất, ông đến điếu bái lạy vợ Tịch như mẹ mình, đối đãi các con của Tịch như em ruột mình, vì thế được người đời khen ngợi.
Ông lần lượt nắm chức ở Phủ Khai Phong, rồi Bộ Lễ, gặp việc đều cương trực tâu trình, ít tị hiềm, nhưng cũng may mắn là lời ông thường được nghe theo. Đời Tống Anh Tông, ông làm Gián Nghị Đại Phu, đời Thần Tông, ông được phong Hàn Lâm Học Sĩ, Ngự Sử Trung Thừa. Khi ông làm Đồng Tri Gián Viện, Tô Triệt 蘇轍 làm bài về chính sách lời lẽ quá thẳng thắng, quan giám khảo muốn đánh rớt, nhưng ông ngăn cản.
Trãi đời Tống Nhân Tông và Tống Anh Tông, ông thường tham gia luận bàn chính sách quốc gia, nên dần trở thành nhân vật quan trọng trên chính trường. Ông chủ trương bảo thủ, nặng tư tưởng Khổng-Mạnh, ông trở lành thủ lĩnh nhóm bảo thử (Cựu Đảng) đối lập với chủ trương canh tân của Vương An Thạch 王安石.
Đến đời Tống Thần Tông, Vương An Thạch được bổ làm Tể Tướng để áp dụng chính sách mới (Tân Pháp), mở rộng quyền hạn của chính quyền trung ương, thay đổi cấu trúc xã hội và tư tưởng giáo dục. Tư-mã Quang hết lòng phản đối, ông dâng sớ chống đối, ba lần gởi thư riêng cho họ Vương khuyên can, lại cổ động Cựu Đảng bài kích Tân Pháp của Vương, triều đình nhà Tống bị chia rẻ nặng. Vương An Thạch bèn gạt bỏ những người trong Cựu Đảng ra khỏi triều đình. Nhờ ông và Vương là bạn cũ, Vương lại mang ơn ông từng cất nhắc, nên ông không bị đầy đọa gì; song ông phẫn uất với chính trường, năm 1070 ông từ quan dời đến Lạc Dương, quyết không bàn bạc gì đến chính trị, chú chăm vào việc biên soạn sử, 'Tư Trị Thông Giám' nhờ đó hoàn thành. Ông muốn mượn lịch sử làm gương cho đời sau lập chính sách cai trị, nên ông đề xuất tên tựa là 'Tư Trị Thông Giám'.
Do bị chống đối mạnh mẽ cộng thêm nhiều lý do khác, Tân Pháp không được áp dụng triệt để và cũng không có tác dụng như ý, năm 1076, Vương An Thạch từ bỏ chính trường, về hưu. Tân Pháp dần dần thất thế. Đến năm 1085, Tống Thần Tông mất, Triết Tông lên ngôi, Thái Hậu bổ Tư-mã Quang làm Tể Tướng. Ông loại bỏ gần hết những cải cách của Tân Pháp, song ông làm Tể Tướng chỉ được 8 tháng thì mất, thọ 67 tuổi. Triều đình truy tặng ông làm Thái Sư, thụy là Văn Chính, tước Ôn Quốc Công 溫國公, nên người đời sau còn gọi ông là Ôn Công.
Không chỉ là chính trị gia và sử học, ông còn sáng tác, bình phẩm, chú thích văn học, triết học, y học, và tham gia biên soạn tự điển. Ngoài Tư Trị Thông Giám, tác phẩm của ông gồm: Thông Giám Cử Yếu Lịch 通鑑舉要歷 , Kê Cổ Lục 稽古錄 , Bản Triều Bách Quan Công Khanh Biểu本朝百官公卿表, Hàn Lâm Thi Thảo 翰林詩草, Chú Cổ Văn Học Kinh 注古文學經, Dịch Thuyết 易說, Chú Thái Huyền Kinh 注太玄經, Chú Dương Tử 注揚子, Thư Nghi 書儀, Du Sơn Hành Ký 遊山行記, Tục Thi Trì 續詩治, Y Vân 醫問, Tốc Thủy Kỷ Văn 涑水紀聞, Loại Thiên 類篇, v.v... Tương truyền còn cho ông là chủ biên của Tập Vận 集韻.
TÁC PHẨM
Tư Trị Thông Giám 資治通鑒, gọi tắt là Thông Giám, là bộ sử quan trọng vào bậc hàng đầu của Trung Hoa. Vào đời Tư-mã Quang, các bộ chính sử ghi chép lại việc mỗi triều đại đều viết theo dạng Kỷ, Truyện -- khiến việc tra cứu sử kiện rườm rà, phiến diện và khó phân tích, lại sớm chịu ảnh hưởng từ 'Tả Thị Xuân Thu', nên ông bắt đầu viết 'Thông Chí', được 8 quyển, ghi chép theo lối biên niên dâng lên Tống Anh Tông. Anh Tông rất ưa thích nên bổ ông vào Cục Bí Các để viết tiếp sách ấy. Đến khi hoàn thành, đổi tên sách thành 'Tư Trị Thông Giám'.
Tư Trị Thông Giám phần nội dung gồm 294 quyển, trên 3 triệu chữ, cộng thêm 13 quyển phần 'Khảo Dị' và 'Mục lục', do Tư-mã Quang làm chủ biên, với sự phụ tá của các ông Lưu Ban 劉攽, Lưu Thứ劉恕, Phạm Tổ Vũ 范祖禹, và cả con ông là Tư-mã Khang 司馬康 miệt mài mất 19 năm mới hoàn thành. Nội dung khởi đầu vào 403 TCN (Châu Uy Liệt Vương năm thứ 13), kết thúc vào năm 959 CN (Hiển Đức năm thứ 6 đời Hậu Châu). Bao gồm các phần:
Châu Kỷ - 5 quyển
Tần Kỷ - 3 quyển
Hán Kỷ - 16 quyển
Ngụy Kỷ - 10 quyển
Tấn Kỷ - 40 quyển
Tống Kỷ - 16 quyển
Tề Kỷ - 10 quyển
Lương Kỷ - 20 quyển
Trần Kỷ - 10 quyển
Tùy Kỷ - 8 quyển
Đường Kỷ - 81 quyển
Hậu Lương Kỷ - 6 quyển
Hậu Đường Kỷ - 8 quyển
Hậu Tấn Kỷ - 6 quyển
Hậu Hán Kỷ - 4 quyển
Hậu Châu Kỷ - 5 quyển
Vì việc soạn viết bộ sử này được chính vua Tống ủng hộ, nên các ông có nhiều tài liệu tham khảo gồm tất cả sách vỡ tồn trữ của triều đình, sưu tầm riêng của nhà vua, và sưu tầm riêng của bản thân tương truyền đến bốn vạn cuốn. Song nội dung căn bản vẫn dựa trên chính sử như Sử Ký, Hán Thư, Hậu Hán Thư, Tam Quốc Chí, v.v...
Vì Tư-mã Quang mượn sử để bày tỏ quan điểm chính trị, lời phê bình của cá nhân ông đối với vài sự kiện lịch sử đôi khi khiếm diện, quá nặng tư tưởng Khổng Mạnh, nếu không nói là lỗi thời. Song, nhìn chung, bộ sử giữ vững tính nguyên bản của sử kiện để người đời sau có thể qua đó tìm hiểu lịch sử mà không bị tư tưởng ấy áp chế.

Read More...